thethaomoingay

Nên ngủ thêm một tiếng hay thức dậy sớm tập thể dục?

Giả sử bạn có một đêm ngủ không ngon và lại tập thể dục buổi sáng, bạn nên thức dậy tập luyện, hay tắt báo thức và tận hưởng thêm một giờ ngủ? Theo Women’s Health, quyết định này rất cá nhân, phụ thuộc vào mục tiêu sức khỏe, lịch trình, và ưu tiên của bạn. Nhưng nghiên cứu cho thấy rằng tập thể dục thực sự có thể giúp giảm bớt một số ảnh hưởng tiêu cực về mặt sinh lý của một đêm ngủ không ngon. Tác dụng của tập thể dục và ngủ đủ giấc Tiến sĩ Rhonda Patrick, một nhà khoa học y sinh nghiên cứu về mối liên hệ giữa giấc ngủ, tập thể dục và sức khỏe trao đổi chất, chia sẻ rằng một đêm ngủ chỉ 4 giờ có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực ngắn hạn ở người khỏe mạnh, nhưng tập cường độ cao ngắt quãng (HIIT) có thể giúp khắc phục một số tác động đó. Tuy nhiên, việc đánh đổi một giờ ngủ để tập thể dục đôi khi có thể mang lại lợi ích tích cực, nhưng hy sinh giấc ngủ để duy trì sức mạnh và vóc dáng không phải là một giải pháp bền vững lâu dài. Vậy làm thế nào để bạn điều chỉnh được sự cân bằng khó khăn này? Có rất nhiều công cụ để giúp cơ bắp hồi phục sau buổi tập luyện căng thẳng, nhưng giấc ngủ vượt trội hơn tất cả. Giấc ngủ là công cụ phục hồi tối ưu của cơ thể, khi hầu hết các quá trình sinh lý quan trọng diễn ra, giúp duy trì năng lượng và tâm trạng của bạn, theo Alexander Rothstein, chuyên gia sinh lý học thể dục thể thao. Trong giai đoạn ngủ sâu, quá trình sản xuất hormone tăng trưởng đạt đỉnh, giúp sửa chữa các mô cơ bị tổn thương trong quá trình tập luyện. Đồng thời, hormone căng thẳng như cortisol được cân bằng, và mức đường huyết được điều chỉnh. Bỏ lỡ chỉ một đêm ngủ ngon có thể làm gián đoạn các quá trình này, dẫn đến mệt mỏi và khả năng phục hồi kém hơn. Khi nào nên đánh đổi giấc ngủ để tập thể dục? “Theo dõi cơ thể bạn là điều quan trọng”, Rothstein nói. “Hy sinh một chút giấc ngủ để tập thể dục có thể là giải pháp tạm thời giúp cải thiện sức khỏe, nhưng cần được cân bằng cẩn thận với việc phục hồi”. Hãy thử một bài HIIT vào ngày bạn cảm thấy hơi mệt mỏi và xem liệu nó có giúp bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng hơn không. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy kiệt sức, hoặc có dấu hiệu quá tải, ưu tiên giấc ngủ là lựa chọn tốt hơn. Để cân bằng giữa tập thể dục và giấc ngủ, hãy “hy sinh” giấc ngủ một cách hợp lý. Chỉ nên đánh đổi giấc ngủ để tập luyện một hoặc hai lần mỗi tuần. Ngoài ra, bạn cần lắng nghe cơ thể. Nếu cảm thấy bị kiệt sức, hãy ưu tiên giấc ngủ thay vì cố gắng tập luyện. Bạn có thể lập kế hoạch trước, sắp xếp thời gian tập luyện vào những ngày phù hợp với lịch trình, chẳng hạn như sau khi đưa con đến trường hoặc trong giờ nghỉ trưa. Cuối cùng, hãy linh hoạt. Đừng cảm thấy tội lỗi nếu cần thay đổi kế hoạch. Nếu cơ thể bạn cần ngủ thêm, hãy ưu tiên điều đó. Tóm lại, cả giấc ngủ và tập thể dục đều quan trọng cho sức khỏe tổng thể. Điều quan trọng là phải tìm được sự cân bằng phù hợp với nhu cầu và mục tiêu của bạn. Nguồn: Tuổi trẻ

Tập luyện 10 phút mỗi ngày có mang lại sự thay đổi cho cơ thể?

Chỉ 10 phút vận động mỗi ngày cũng có thể giúp cải thiện sức khỏe và vóc dáng. Vậy nên tập luyện thế nào để tối ưu hiệu quả? 1. Tập 10 phút mỗi ngày – liệu có đủ để tạo ra sự khác biệt? Nhiều người cho rằng tập luyện 10 phút mỗi ngày là quá ít để cải thiện sức khỏe nhưng thực tế cho thấy điều ngược lại. Nếu tập luyện đều đặn, cơ thể vẫn sẽ có những thay đổi tích cực về thể chất lẫn tinh thần. Tập luyện giúp kích thích tim mạch, cải thiện tuần hoàn máu và tăng cường năng lượng cho một ngày làm việc. Các bài tập ngắn còn giúp cơ thể giải phóng endorphin – hormone mang lại cảm giác vui vẻ, giảm căng thẳng hiệu quả. Sau một thời gian, cơ thể sẽ trở nên săn chắc, dẻo dai và linh hoạt hơn. Không chỉ thay đổi về thể chất, duy trì 10 phút tập mỗi ngày còn giúp hình thành thói quen sống lành mạnh. Từ đây, bạn có thể tăng dần thời gian tập và xây dựng lối sống năng động hơn. Tóm lại, dù thời gian ngắn, tập 10 phút mỗi ngày hoàn toàn có thể tạo nên sự khác biệt nếu bạn kiên trì và thực hiện đúng cách. Đây là bước khởi đầu lý tưởng, nhất là với người bận rộn hoặc mới bắt đầu tập luyện. Dù thời gian ngắn, tập 10 phút mỗi ngày hoàn toàn có thể tạo nên sự khác biệt nếu bạn kiên trì và thực hiện đúng cách. 2. Một số bài tập nên thực hiện Với 10 phút vận động mỗi ngày, bạn có thể tập: – Bài tập cardio: Các bài cardio như chạy tại chỗ, nhảy dây, jumping jacks hoặc leo núi tại chỗ… giúp đốt cháy calo nhanh, tăng sức bền tim mạch. Có thể chia nhỏ thành 2-3 bài, mỗi bài 30-60 giây, nghỉ ngắn 15-20 giây giữa các bài. – Bài tập cường độ cao ngắt quãng (HIIT): HIIT gồm các chuỗi động tác như burpee, squat jump, plank jumps… Thực hiện mỗi động tác trong 30 giây, nghỉ 10 giây, lặp lại 2-3 vòng tùy khả năng. Dù ngắn nhưng HIIT giúp đốt mỡ hiệu quả và cải thiện trao đổi chất lâu dài sau buổi tập. – Bài tập tăng cơ không cần dụng cụ: Nếu mục tiêu là săn chắc cơ, bạn có thể áp dụng các động tác như squat, chống đẩy, lunge, plank…. Tập mỗi động tác trong 45-60 giây, nghỉ giữa các hiệp 15-30 giây. Đảm bảo kỹ thuật đúng để tránh chấn thương và tối ưu hiệu quả. – Giãn cơ và yoga nhẹ nhàng: Tập trung vào hít thở chậm, kéo giãn các nhóm cơ chính như lưng, hông, cổ, chân giúp cơ thể linh hoạt và cải thiện giấc ngủ. – Kết hợp bài tập toàn thân: Bạn có thể tạo chuỗi 10 phút bao gồm 2 phút khởi động, 6 phút tập trung vào các nhóm cơ (bụng, chân, tay) và 2 phút thả lỏng. Kết hợp đa dạng giúp duy trì hứng thú và luyện tập toàn diện cho cơ thể. 3. Làm thế nào để tối ưu hiệu quả từ 10 phút tập luyện? Muốn tối ưu hiệu quả từ 10 phút tập luyện mỗi ngày, cần lựa chọn bài tập phù hợp với mục tiêu. Nếu bạn muốn giảm cân, các bài cường độ cao ngắt quãng hoặc cardio ngắn là lựa chọn phù hợp. Trong khi đó, nếu muốn tăng sức bền hoặc dẻo dai, hãy thử yoga hoặc các bài giãn cơ. Một bí quyết khác để tăng hiệu quả là kết hợp tập luyện với thói quen hàng ngày. Ví dụ, bạn có thể tranh thủ tập 10 phút buổi sáng sau khi thức dậy, hoặc buổi tối trước khi tắm. Điều này giúp bạn dễ duy trì thói quen lâu dài mà không cảm thấy áp lực về thời gian. Đừng quên khởi động nhẹ trước và giãn cơ sau buổi tập để tránh chấn thương và giúp cơ thể phục hồi tốt hơn. Dù chỉ là 10 phút nhưng chuẩn bị đúng cách cũng tạo ra sự khác biệt lớn giúp tăng cường hiệu suất và an toàn tập luyện. Nguồn: Sức khỏe đời sống

Ăn kiêng hay tập thể dục quan trọng hơn khi giảm cân?

Giảm cân luôn là bài toán khó với nhiều người, đặc biệt khi phải lựa chọn giữa ăn kiêng hay tập thể dục. Đâu mới là yếu tố quan trọng hơn trong hành trình lấy lại vóc dáng này? 1. Vai trò của ăn kiêng trong quá trình giảm cân Ăn kiêng được xem là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của quá trình giảm cân. Nguyên tắc cơ bản của giảm cân là tiêu thụ ít calo hơn lượng calo cơ thể cần để hoạt động, điều này chủ yếu đến từ chế độ ăn. Dù tập luyện chăm chỉ đến đâu, nhưng ăn quá nhiều calo, bạn khó có thể giảm cân hơn. Thực tế cho thấy, một người có thể dễ dàng cắt giảm từ 300–500 kcal/ngày bằng cách điều chỉnh khẩu phần ăn, trong khi cần ít nhất 30–60 phút tập thể dục nặng mới tiêu hao được lượng calo tương đương. Do đó, kiểm soát chế độ ăn thường là cách nhanh hơn và thực tế hơn để tạo ra thâm hụt calo cần thiết cho việc giảm cân. Tuy nhiên, ăn kiêng không có nghĩa là nhịn ăn cực đoan hay loại bỏ hoàn toàn một nhóm thực phẩm nào đó. Thay vào đó, bạn nên ăn chế độ cân bằng, giàu protein, chất xơ, ít đường và chất béo bão hòa sẽ giúp bạn no lâu, duy trì năng lượng và giảm cân một cách an toàn, bền vững. 2. Tập thể dục giúp ích gì trong quá trình giảm cân? Tập thể dục tuy không “mạnh” bằng ăn kiêng trong việc tạo ra thâm hụt calo nhanh chóng, nhưng lại đóng vai trò thiết yếu để duy trì kết quả giảm cân và cải thiện sức khỏe tổng thể. Vận động giúp duy trì khối lượng cơ bắp trong quá trình giảm cân. Nếu chỉ ăn kiêng mà không tập thể dục, bạn dễ mất cả mỡ và cơ. Việc mất cơ sẽ làm chậm quá trình trao đổi chất, gây cản trở quá trình giảm cân. Tập thể dục cũng góp phần kiểm soát cảm giác thèm ăn. Khi vận động, cơ thể tiết ra endorphin – “hormone hạnh phúc”, giúp giảm stress. Điều này cực kỳ quan trọng vì rất nhiều người tăng cân do ăn uống cảm xúc hoặc stress kéo dài.Hơn nữa, tập luyện tạo ra sự linh hoạt trong lối sống. Khi bạn vận động nhiều, bạn có thể ăn thoải mái hơn một chút mà vẫn giữ cân nặng ổn định. Điều này giúp bạn tránh được cảm giác bị “giam hãm” bởi các chế độ ăn quá nghiêm ngặt và giúp duy trì lối sống lành mạnh dài lâu. 3. Ăn kiêng hay tập thể dục – đâu là lựa chọn ưu tiên? Ăn kiêng quyết định thành công ban đầu của quá trình giảm cân, nhưng tập thể dục là yếu tố then chốt để duy trì kết quả về lâu dài. Nếu bạn mới bắt đầu giảm cân, việc điều chỉnh chế độ ăn sẽ mang lại kết quả rõ rệt hơn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu không tập luyện, trao đổi chất chậm lại, bạn dễ tăng cân trở lại. Vì vậy, dù ăn kiêng giúp bạn giảm số cân nhanh hơn, thì tập luyện mới là “lá chắn” bảo vệ thành quả đó. Tùy theo tình trạng sức khỏe, thể trạng và thói quen cá nhân, bạn có thể bắt đầu từ việc kiểm soát ăn uống, sau đó từ từ đưa hoạt động thể chất vào lịch trình. Không cần phải tập luyện quá nặng ngay từ đầu – chỉ cần đi bộ, đạp xe, tập yoga hoặc một số bài tập nhẹ nhàng cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn về mặt sức khỏe. Điều quan trọng là cần xây dựng kế hoạch giảm cân phù hợp với bản thân, không quá khắt khe và có thể duy trì được trong thời gian dài. Giảm cân không phải là cuộc đua ngắn hạn, mà là quá trình thay đổi lối sống. Nguồn: Sức khỏe đời sống

5 bài tập có thể đốt cháy calo như chạy bộ

Nếu không thích chạy bộ, bạn có thể tập nhảy dây, đập dây thừng hoặc đạp xe để tiêu đốt lượng calo tương đương, giúp giảm mỡ thừa. Đạp xe được coi như là một bài tập giúp đốt cháy calo, nâng cao thể lực. (Nguồn: Pixabay) Nhảy dây Nhảy dây là bài tập tim mạch toàn thân cường độ cao, giúp đốt cháy lượng calo cao trong thời gian ngắn. Bài tập này còn giúp cải thiện sức bền, sự linh hoạt khi phối hợp tay, chân. Trung bình, một người nặng 70 kg sẽ đốt cháy 100 calo trong 10 phút nhảy dây với tốc độ vừa phải và 200 calo nếu nhảy với tốc độ cao. Dumbbell Front Squats (Squat tạ đơn phía trước) Đây là bài tập phát triển cơ bắp thân dưới bao gồm cơ đùi trước, sau, cẳng chân, mông và lưng. Bài tập này tương đối đơn giản, dễ thực hiện. Chuẩn bị một cặp tạ 3 kg, giữ cặp tạ ngang vai, thực hiện động tác squat sâu liên tiếp 10 lần, nghỉ 10 giây rồi thực hiện tiếp hai hiệp. Lưu ý, khi thực hiện động tác này, cần giữ thẳng lưng, đưa hông về phía sau, sử dụng lực ở gót chân và hông để nâng người đứng lên, tránh dùng đầu gối để hạn chế chấn thương gối. Mười phút thực hiện động tác này có thể đốt cháy từ 100-130 calo tùy trọng lượng và độ nặng của tạ. Tập dây thừng Đây là bài tập tác động lên phần thân trên, bao gồm cánh tay, vai, lưng, ngực và bụng, giúp tăng cường cơ bắp, tiêu đốt mỡ thừa. Bài tập này có thể đốt cháy 100-120 calo trong 10 phút. Lưu ý, khi thực hiện động tác, nên giữ tư thế squat với phần lưng thẳng, không đổ người về phía trước theo dây. Bơi lội Bơi lội là bài tập tim mạch tác động toàn thân, rất tốt cho người lớn tuổi, người đang phục hồi sau chấn thương. Tùy thuộc vào trọng lượng, tốc độ bơi, lượng calo đốt cháy trong 10 phút có thể đạt từ 110-150 calo. Đạp xe Đạp xe cũng là một bài tập toàn thân giúp đốt cháy calo, nâng cao thể lực mà ít gây áp lực lên khớp. Trung bình một người nặng 70 kg đốt cháy 80-100 calo trong 10 phút đạp xe tốc độ vừa phải. Nếu đạp xe với tốc độ cao, đạp xe leo dốc, lượng calo đốt cháy có thể tăng lên. Nguồn: Thế giới và Việt Nam

6 cách phòng ngừa chấn thương khi chơi pickleball

Chấn thương do chơi pickleball có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Người chơi pickleball thường gặp tình trạng căng cơ, bong gân… Vậy phòng ngừa như thế nào? BS. Nguyễn Trọng Thủy (Nguyên BS Đội tuyển bóng đá nam Quốc gia và U23 Việt Nam) cho hay, sự bùng nổ về mức độ phổ biến của môn pickleball trong những năm gần đây cũng làm gia tăng các chấn thương liên quan đến môn thể thao kết hợp giữa quần vợt, cầu lông và bóng bàn này. Người chơi pickleball thường gặp tình trạng căng cơ, bong gân ở các cơ và gân như chấn thương dây chằng quanh đầu gối, khuỷu tay, bong gân mắt cá chân, viêm gân Achilles và viêm chóp xoay… Có nhiều cách để hạn chế chấn thương khi chơi pickleball: 1. Khởi động đúng cách trước khi chơi pickleball BS. Nguyễn Trọng Thủy cho biết, cần khởi động kỹ, kéo dài từ 5 đến 10 phút trước khi chơi pickleball. Điều này giúp tăng nhiệt độ cơ thể và tăng lưu lượng máu đến các cơ, giúp nới lỏng các khớp để sẵn sàng cho buổi tập. Trước khi tập pickleball nên giãn cơ động, bao gồm các động tác chùng chân, di chuyển cánh tay theo vòng tròn rộng và nâng đầu gối… hoặc có thể chạy chậm trong thời gian ngắn, nhảy bật cóc trong 30 giây. Sau khi chơi nên giãn cơ nhẹ và đi bộ chậm. 2. Không tập luyện quá sức Đối với bất kỳ hoạt động thể thao nào, đặc biệt là khi mới bắt đầu tập, điều quan trọng là lắng nghe cơ thể và nghỉ ngơi khi cần thiết. Nếu cảm thấy mệt mỏi, đặc biệt là khi bạn mới chơi môn thể thao này, tốt nhất nên nghỉ ngơi. Không nên chơi quá gắng sức, vì có thể làm gia tăng khả năng chấn thương. Tốt hơn là bắt đầu chơi với thời gian ngắn, sau đó tăng thời gian chơi khi đã quen với bài tập và khỏe hơn. Việc tập luyện quá sức có thể khiến người chơi bị chấn thường ở khuỷu tay, viêm gân ở cẳng tay… 3. Chọn giầy phù hợp giúp giảm nguy cơ chấn thương Pickleball có thể chơi trên nhiều loại sân khác nhau, bao gồm cả ở trong nhà, trên sân tennis bê tông/nhựa đường, trên cỏ… Tùy thuộc vào loại sân mà có thể chọn giầy phù hợp, nhưng quan trọng vẫn là một đôi giày thoải mái, chắc chắn, có độ bám tốt để giúp tránh bị trượt ngã. 4. Chọn vợt đúng kích cỡ Vợt chơi pickleball có nhiều kích cỡ tay cầm khác nhau. Do đó, nên tìm loại phù hợp, thoải mái nhất cho mình. Kích cỡ tay cầm quá lớn gây khó khăn khi chơi, dễ khiến người tập bị căng cơ, giảm hiệu suất tập luyện, thậm chí có thể gây chấn thương cho người tập. 5. Kết hợp với các bài tập khác Thực hiện các bài tập khác ngoài pickleball là một cách hỗ trợ việc chơi pickleball tốt hơn như chạy, bơi hoặc đạp xe đạp cố định… Ngoài ra, việc tập luyện sức mạnh cũng có thể giúp tránh chấn thương. Các bài tập sức mạnh chung cho vai và cánh tay, các bài tập cốt lõt… rất hiệu quả cho việc rèn luyện sự cân bằng và phản xạ của bạn khi chơi pickleball. 6. Khám và điều trị ngay khi gặp chấn thương Đối với cơn đau dai dẳng hoặc chấn thương nhẹ do chơi pickleball, người chơi cần nghỉ ngơi, chườm đá hoặc sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), như ibuprofen. Lưu ý, chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Cần đến khám và điều trị ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa khi gặp các chấn thương đột ngột và cấp tính như gãy cổ tay, tổn thương mắt cá chân… Điều này giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành và ngăn ngừa các hệ lụy cho người chơi. Nguồn: Sức khỏe đời sống

Chống đẩy 20 lần mỗi sáng có tác dụng gì?

Bắt đầu ngày mới bằng một bài tập đơn giản như chống đẩy có thể mang lại những lợi ích ngạc nhiên cho sức khỏe và thể lực tổng thể. Chống đẩy là bài tập thể dục tác động đến nhiều nhóm cơ, cải thiện sức mạnh và tăng cường sức bền. Trong khi nhiều người cho rằng chống đẩy đòi hỏi phải lặp lại nhiều lần mới có hiệu quả, thì ngay cả khi chỉ thực hiện 20 lần mỗi sáng cũng có thể có tác động lâu dài đến sức khỏe thể chất. Thói quen nhỏ này có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tăng cường sức mạnh cho phần thân trên và góp phần cải thiện tư thế. Dưới đây là những lý do tại sao nên thực hiện 20 lần chống đẩy mỗi sáng: 1. Chống đẩy giúp tăng cường sức mạnh phần thân trên Chống đẩy chủ yếu nhắm vào ngực, vai và cơ tam đầu, khiến chúng trở thành một trong những bài tập tốt nhất cho sức mạnh của thân trên. Thực hiện thường xuyên 20 lần chống đẩy mỗi sáng, giúp duy trì trương lực cơ và cải thiện sức bền. Cơ thân trên khỏe hơn góp phần cải thiện tư thế, giảm nguy cơ chấn thương và hỗ trợ các hoạt động hàng ngày như nâng và mang đồ vật dễ dàng. 2. Cải thiện cơ cốt lõi Mặc dù chống đẩy thường được coi là bài tập cho phần thân trên, nhưng chúng cũng tác động đến các cơ cốt lõi. Giữ cơ thể ở tư thế thẳng trong khi thực hiện động tác sẽ kích hoạt các cơ bụng, lưng dưới và cơ liên sườn. Theo thời gian, điều này cải thiện sự ổn định của phần cốt lõi, dẫn đến sự cân bằng tốt hơn và giảm căng thẳng cho phần lưng dưới. Một phần cốt lõi khỏe mạnh đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến tư thế và tăng cường sự phối hợp toàn bộ cơ thể. 3. Giúp trái tim khỏe mạnh Chống đẩy không chỉ giúp tăng cơ mà còn có lợi cho hệ tim mạch. Thực hiện chống đẩy làm tăng nhịp tim, cải thiện lưu thông máu và thúc đẩy lưu thông oxy tốt hơn khắp cơ thể. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người có thể chống đẩy ở mức độ vừa phải mỗi ngày có nguy cơ mắc các vấn đề liên quan đến tim thấp hơn. Thực hiện thói quen đơn giản này mỗi sáng giúp hỗ trợ sức khỏe tim mạch và duy trì thể lực tim mạch tổng thể. 4. Cải thiện quá trình trao đổi chất và đốt cháy chất béo Thực hiện chống đẩy vào buổi sáng giúp khởi động quá trình trao đổi chất tốt hơn. Chống đẩy tác động đến nhiều nhóm cơ cùng một lúc nên đòi hỏi nhiều năng lượng hơn, dẫn đến tăng lượng calo đốt cháy. Điều này giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh và hỗ trợ giảm mỡ theo thời gian. Ngoài ra, việc xây dựng khối lượng cơ góp phần vào tỷ lệ trao đổi chất khi nghỉ ngơi cao hơn, nghĩa là cơ thể vẫn tiếp tục đốt cháy calo ngay cả sau khi quá trình tập luyện kết thúc. 5. Tăng cường sức khỏe xương khớp Các bài tập chịu trọng lượng như chống đẩy giúp duy trì xương và khớp chắc khỏe. Chống đẩy thường xuyên tạo áp lực có kiểm soát lên xương, kích thích mật độ xương và giảm nguy cơ mắc các tình trạng như loãng xương. Ngoài ra, chống đẩy cải thiện sự ổn định của khớp, đặc biệt là ở vai và cổ tay, giảm khả năng chấn thương. Giữ cho khớp chắc khỏe đảm bảo khả năng vận động và tính linh hoạt tổng thể tốt hơn khi cơ thể già đi. Nguồn: Sức khỏe đời sống

7 lợi ích sức khỏe khi đi bộ sau ăn tối

Đi bộ sau bữa tối giúp cải thiện tiêu hóa, giảm cân, giảm căng thẳng, tăng chất lượng giấc ngủ, cải thiện sức khỏe tim mạch và ổn định đường huyết. Đi bộ là một bài tập đơn giản nhưng mang lại nhiều lợi ích. Tạo thói quen đi bộ thường xuyên trong ngày, đặc biệt là sau bữa tối, sẽ giúp thay đổi sức khỏe đáng kể. Vì glucose đạt đỉnh 72 phút sau khi ăn, các chuyên gia khuyên nên đi bộ trong vòng 60 phút sau khi ăn tối xong. Thời lượng có thể thay đổi tùy theo sở thích và lịch trình cá nhân. Mặc dù chỉ cần 10 phút đi bộ cũng cho thấy tác dụng tích cực đối với tiêu hóa, nhưng đi bộ 30 phút với tốc độ nhanh và ổn định sẽ mang lại lợi ích tối đa. Dưới đây là một số lợi ích đáng kể: Hỗ trợ tiêu hóa Đi bộ sau bữa tối giúp kích thích tuần hoàn máu và thúc đẩy quá trình vận chuyển thức ăn qua hệ tiêu hóa. Bài tập này giúp ngăn ngừa nhiều vấn đề về tiêu hóa, bao gồm ợ nóng, hội chứng ruột kích thích, bệnh túi thừa, táo bón, ung thư đại trực tràng và đầy hơi. Đốt cháy calo và giảm cân Bữa tối thường là bữa ăn no nhất trong ngày, có thể chứa nhiều calo, đặc biệt khi ăn tối ở ngoài kèm đồ uống. Đi bộ buổi tối có thể giúp đốt cháy calo, đặc biệt hữu ích sau bữa tối thịnh soạn, đồng thời giúp duy trì hoạt động trao đổi chất và tăng cường thể lực tổng thể. Cải thiện tâm trạng Đi bộ sau bữa tối mang lại lợi ích cho sức khỏe tinh thần bằng cách giúp giảm căng thẳng hàng ngày. Hoạt động này cho phép mọi người kết nối lại với bản thân và môi trường xung quanh, đồng thời sản sinh endorphin giúp cải thiện tâm trạng. Người dân tập thể dục ven sông Hàn, Đà Nẵng, tháng 5/2024. Ảnh: Nguyễn Đông Ngủ ngon hơn Ngủ kém có thể dẫn đến giảm mức năng lượng, thói quen ăn uống không lành mạnh, tăng căng thẳng và các vấn đề sức khỏe lâu dài bao gồm bệnh tim, tăng huyết áp, trầm cảm và tiểu đường. Đi bộ sau bữa tối góp phần nâng cao chất lượng giấc ngủ. Thắt chặt tình cảm Những buổi đi bộ này có thể thắt chặt các mối quan hệ khi thực hiện cùng người khác. Chúng tạo cơ hội cho những cuộc trò chuyện với bạn đời hoặc bạn bè, giúp bạn có thời gian thảo luận những vấn đề ý nghĩa. Duy trì tuần hoàn máu Hoạt động này hỗ trợ sức khỏe bằng cách thúc đẩy tuần hoàn máu và giảm nguy cơ mắc các vấn đề về huyết áp và tim. Là một bài tập nhẹ nhàng, đi bộ được chứng minh là có lợi cho sức khỏe tim mạch và hệ tuần hoàn. Ổn định đường huyết Việc kiểm soát lượng đường trong máu được cải thiện nhờ đi bộ buổi tối. Hoạt động này giúp ổn định đường huyết và tăng cường độ nhạy insulin, đặc biệt có lợi cho những người quan tâm đến lượng đường trong máu. Hoạt động này chỉ cần một chút thời gian nhưng cần có ý chí để trì hoãn việc nghỉ ngơi sau bữa tối. Lợi ích về sức khỏe thể chất và tinh thần khiến việc đi bộ trở thành một bổ sung đáng giá cho thói quen hàng ngày. Nguồn: Vnexpress

Lý do Steve Job, Mark Zuckerberg thích vừa họp vừa đi bộ

Thay vì ngồi họp với 4 bức tường, những CEO công nghệ thích làm việc đó khi đi bộ để tăng sáng tạo và tập trung. Demo DION 2025 edit. Nhiều người cảm thấy mệt mỏi, sợ hãi, chán chường khi ngồi họp trong 4 bức tường. Đó là lý do có dạng vừa họp vừa đi bộ. Thực tế, những công ty sáng tạo hàng đầu thế giới như Google, Facebook hay LinkedIn có những cuộc họp dạng này để phát huy năng suất, khả năng tập trung và sáng tạo. Ngày trước, nhà đồng sáng lập Apple là Steve Jobs – người cũng từng là một CEO – thường đi dạo với người đứng đầu bộ phận thiết kế để suy nghĩ về một mẫu ý tưởng mới cho sản phẩm. Trong quyển tiểu sử Steve Jobs của Walter Isaacson, tác giả khẳng định các cuộc họp của họ diễn ra khi đang đi bộ. Tại Facebook, Mark Zuckerberg sẽ đi dạo với ứng viên tiềm năng vào rừng trước khi quyết định có nhận người đó vào làm hay không. Còn với CEO Sundar Pichai của Google thì đi bộ là cách giúp ông bắt đầu tư duy dễ dàng hơn. “Tôi thích tốc độ và để thật sự suy nghĩ thì tôi phải bắt đầu đi bộ”, ông nói với Recode năm 2016. CEO Facebook Mark Zuckerberg vừa đi vừa trò chuyện với CEO LinkedIn Jeff Weiner. Ảnh: Huffingtonpost Việc vừa họp vừa di chuyển không phải là thói quen kỳ quặc của giới tinh hoa công nghệ mà được giới khoa học thừa nhận là một hành vi hữu ích. Theo nghiên cứu của Đại học Stanford, đi bộ giúp thúc đẩy tư duy sáng tạo tăng trung bình 60%. Để đo lường tác động của đi bộ với sáng tạo, nhóm nghiên cứu yêu cầu 176 sinh viên suy nghĩ cách giải quyết nhiệm vụ được giao trong lúc ngồi. Sau đó, họ sẽ phải làm tương tự trong lúc đang đi bộ. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người tham gia sáng tạo nhiều hơn khi họ đi bộ. Ngoài ra, khả năng sáng tạo còn được duy trì ở mức cao trong một thời gian ngắn sau khi họ ngồi trở lại. Nếu công việc buộc bạn phải ngồi một chỗ khá lâu trong ngày thì đi bộ là giải pháp giúp kích thích khả năng sáng tạo của bản thân. Đi bộ giúp tăng lưu lượng máu đến các bộ phận trong cơ thể, trong đó có não, góp phần cải thiện tư duy và trí nhớ. Theo một nghiên cứu năm 2016, chỉ cần 12 phút đi bộ mỗi ngày để nâng khả năng tập trung và cải thiện tâm trạng. CEO LinkedIn – Jeff Weiner cho rằng, các cuộc họp khi đi bộ giúp tập trung rất tốt. “Ngoài lợi ích rõ ràng về thể dục thì cơ bản kiểu họp như thế này giúp loại bỏ phiền nhiễu. Tôi nhận ra rằng đó là cách sử dụng thời gian hiệu quả hơn”, ông nhận xét. Nhà sáng lập Virgin Group – Richard Branson cũng đồng quan điểm. “Tôi thấy đây là cách nhanh hơn để tập trung làm việc, đưa ra quyết định và chốt hợp đồng. Đó cũng là giải pháp để vẫn có thể tập thể dục trong một ngày bận rộn”, tỷ phú này nói. Nguồn: Vnexpress

Thể thao cộng đồng: Chìa khóa gắn kết xã hội và nâng cao sức khỏe người dân

Thể thao cộng đồng là một phần không thể thiếu trong đời sống hiện đại, không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn góp phần xây dựng một xã hội gắn kết và lành mạnh hơn. Gia tăng tình trạng thiếu hoạt động thể chất Dù thể thao mang lại nhiều lợi ích, nhưng không phải ai cũng nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc duy trì hoạt động thể chất. Trên thực tế, tình trạng thiếu vận động đang trở thành vấn đề đáng báo động trên toàn cầu. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2022, cứ 4 người trưởng thành trên thế giới thì có 1 người không vận động thể chất đủ. Tình trạng này còn nghiêm trọng hơn ở nhóm thanh thiếu niên, với hơn 80% không đạt mức hoạt động thể chất khuyến nghị. Đáng chú ý, tỷ lệ thiếu vận động ở nữ giới cao hơn nam giới, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người không hoạt động thể chất đầy đủ. Tại Việt Nam, báo cáo của WHO cho thấy khoảng 25% người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) không vận động thể chất đủ. Đặc biệt, tỷ lệ này ở thanh thiếu niên Việt Nam ở mức đáng báo động, lên tới 87%, trong đó 82% ở nam giới và 91% ở nữ giới. Giải bóng chuyền cấp trường tại THCS Cao Xuân Huy, Diễn Châu (Nguồn: Trường THCS Cao Xuân Huy, Diễn Châu) Vai trò của thể thao cộng đồng Theo Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), thể thao cộng đồng là các hoạt động thể thao được tổ chức và thực hiện trong cộng đồng nhằm khuyến khích sự tham gia của mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi lúc, mọi nơi. Đây là một phần thiết yếu trong hệ sinh thái thể thao, góp phần thúc đẩy lối sống lành mạnh, nâng cao sức khỏe và tăng cường sự gắn kết xã hội. Không chỉ giúp cải thiện thể chất, thể thao cộng đồng còn hỗ trợ sức khỏe tinh thần, xây dựng tinh thần đoàn kết và giảm áp lực lên hệ thống y tế. Cụ thể, nó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, tim mạch, béo phì; giảm căng thẳng, lo âu; đồng thời tạo môi trường kết nối, hợp tác giữa mọi người. Ngoài ra, thể thao còn rèn luyện tinh thần đồng đội, kỷ luật và kiên trì, những phẩm chất quan trọng trong cuộc sống. CLB Bóng rổ, THCS Hưng Bình – TP Vinh (Nguồn: Trường THCS Hưng Bình – TP Vinh, Nghệ An) Nở rộ phong trào thể thao cộng đồng trên thế giới Trên thế giới, nhiều mô hình thể thao cộng đồng đã được triển khai thành công, giúp nâng cao sức khỏe và tinh thần thể thao trong xã hội như: “Parkrun” – Sáng kiến chạy bộ miễn phí vào cuối tuần bắt đầu tại Bushy Park, London, Anh vào năm 2004, do Paul Sinton-Hewitt khởi xướng. Ban đầu, sự kiện chỉ có 13 người tham gia, nhưng đến nay đã thu hút hơn 8 triệu người đăng ký trên toàn cầu, với khoảng 2.500 sự kiện diễn ra hàng tuần tại hơn 22 quốc gia. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người tham gia Parkrun thường duy trì hoạt động thể chất lâu dài và có ý thức cao hơn về sức khỏe cá nhân. “Let’s Move!” – Được cựu Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Michelle Obama khởi xướng vào năm 2010, sáng kiến này nhằm giải quyết tình trạng béo phì ở trẻ em bằng cách thúc đẩy hoạt động thể chất và chế độ ăn uống lành mạnh. “Let’s Move!” đã hợp tác với hơn 50.000 trường học để cải thiện bữa ăn và khuyến khích tập thể dục, đồng thời thúc đẩy nhiều sáng kiến như “Active Schools” giúp trẻ em vận động ít nhất 60 phút mỗi ngày. Kết quả, tỷ lệ béo phì ở trẻ nhỏ tại Hoa Kỳ đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua, đặc biệt là ở nhóm trẻ từ 2-5 tuổi. Sport Singapore – Một chương trình quốc gia do Chính phủ Singapore khởi xướng từ năm 1973, với mục tiêu biến Singapore thành một “Quốc gia thể thao” (Sporting Nation). Chương trình này đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng như Sport Hubs, nhà thi đấu, trung tâm thể dục cộng đồng, và tổ chức các chiến dịch như “GetActive! Singapore”, thu hút hàng triệu người tham gia mỗi năm. Đến nay, Sport Singapore đã giúp tăng tỷ lệ người dân tập thể thao thường xuyên lên 68% vào năm 2023, so với mức 54% vào năm 2015, góp phần cải thiện sức khỏe và giảm chi phí y tế liên quan đến bệnh không lây nhiễm. Phong trào thể thao cộng đồng tại Việt Nam Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, phong trào thể thao quần chúng đang khởi nguồn từ từng gia đình và lan tỏa mạnh mẽ ra cộng đồng. Việt Nam đang từng bước phát triển phong trào thể thao quần chúng thông qua sự kết hợp giữa các sáng kiến từ chính phủ, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp. Một số phong trào tiêu biểu góp phần thúc đẩy thể thao quần chúng có thể kể đến như: Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Olympic Việt Nam tổ chức sự kiện này từ năm 2015, nhân dịp kỷ niệm Ngày Thể thao Việt Nam (27/3). Chương trình diễn ra hàng năm trên toàn quốc, với sự tham gia của hàng triệu người dân. Sáng kiến không chỉ khuyến khích rèn luyện sức khỏe mà còn lan tỏa tinh thần thể thao Olympic, thúc đẩy lối sống năng động và gắn kết cộng đồng,